Lịch sử Điền_Tề

Phục vụ Khương Tề

Xem chi tiết: Khương Tề

Đầu thời kỳ Xuân Thu, nước Tề của họ Khương là một nước lớn, cương vực phía đông tới vùng bờ biển Đông Trung Hoa, phía tây tới Hoàng Hà, phía nam tới Thái Sơn, phía bắc tới Vô Lệ Thủy (nay là phía nam huyện Diêm Sơn, tỉnh Hà Bắc). Cuối thời Xuân Thu, quyền lực dần dần bị chuyển sang tay đại thần Trần thị của họ Quy (sau này là Điền thị).

Điền thị của họ Quy xuất phát từ con trai của Trần Lệ công là Trần Hoàn. Các âm Trần và Điền cổ là gần giống như nhau, vì thế sử sách cũ chép thành Điền. Năm 672 TCN, do nội loạn tại nước Trần, công tử Trần Hoàn chạy sang Tề, phục vụ dưới trướng Tề Hoàn công Khương Tiểu Bạch. Từ Trần Hoàn truyền qua 5 đời tới Điền Hoàn tử Vô Vũ, mở ra thời kỳ cường thịnh của thị tộc Điền (Trần). Những năm sau đó họ Điền cùng các họ Thôi, Khánh, Loan, Cao (hậu duệ của Tề Huệ công Khương Nguyên), Quốc, Cao (hậu duệ của Tề Văn công Khương Xích) và các họ Bảo, Hám thay nhau nắm giữ quyền bính tại Tề.

Vua nước Tề

Điền Tề kể từ thời kỳ lập nước cho tới giữa thời Chiến Quốc đã trở thành một trong bảy nước gọi là thất hùng. Thái công Điền Hòa là Tề hầu đời thứ nhất của nhà Chu, do năm 386 TCN Chu An Vương đã buộc phải thừa nhận Điền Hòa là Tề hầu của Chu. Cháu của Thái công Hòa là Hoàn công Điền Ngọ tại Lâm Truy lập ra học cung Tắc Hạ, lập ra hiệu đại phu, chiêu tụ hiền sĩ trong thiên hạ.

Đến thời Uy vương, Tuyên vương tại Tắc Hạ nhân tài nhiều vô kể, trở thành trung tâm văn hóa học thuật ở phía đông. Tề Uy vương trọng dụng Trâu Kỵ làm tướng quốc, tiến hành cải cách chính trì làm cho nước Tề trở thành hùng mạnh. Năm 353 TCN, nước Tề đánh bại nước Ngụy tại trận Quế Lăng. Năm 341 TCN, nước Tề lại đánh bại nước Ngụy tại trận Mã Lăng. Năm 334 TCN, Tề Uy vương cùng Ngụy Huệ vương họp tại Từ Châu, chính thức xưng vương. Cuối thời Uy vương, giữa tướng quốc Trâu Kỵ và tướng quân Điền Kỵ phát sinh sự tranh giành quyền bính. Năm 322 TCN, Điền Kỵ tấn công Lâm Truy, truy tìm Trâu Kỵ, nhưng không thắng, phải chạy sang nước Sở.

Năm 314 TCN, tại Yên phát sinh loạn Tử Chi. Nghe theo lời khuyên của Mạnh Kha, Tề Tuyên vương sai tướng Khuông Chương đem quân tấn công Yên, chỉ trong một thời gian ngắn đã chiếm được Yên. Binh lực của Tề khi đó là cực mạnh. Năm 301 TCN, Tề liên hợp cùng Hàn, Ngụy tấn công Sở, đánh bại Sở.

Giai đoạn năm 298 TCN-296 TCN, Tề lại liên hợp cùng Hàn, Ngụy tấn công Tần, tiến tới Hàm Cốc Quan, buộc Tần phải cầu hòa. Năm 288 TCN, Tề cùng Tần xưng đế ở hai phía đông, tây. Năm sau, Tô Tần, Lý Đoái hợp quân cùng Triệu, Tề, Sở, Ngụy, Hàn tấn công Tần, bãi vu Thành Cao.

Năm 286 TCN, Tề Mẫn vương tiêu diệt nước Tống. Năm 284 TCN, Yên Chiêu vương dùng Nhạc Nghị làm thượng tướng quân, hợp quân các nước Yên, Tần, Hàn, Triệu, Ngụy tấn công Tề, tiến vào Lâm Truy, liên tục hạ trên 70 thành trì của Tề. Tôn thất nước Tề chạy tới Cử và Tức Mặc. Tề Mẫn vương chạy tới Cử, bị Náo Xỉ giết chết. Vương tôn Cổ cùng người đất Cử giết Náo Xỉ, lập con của Mẫn vương là Pháp Chương làm Tề Tương vương. Yên dẫn quân sang phía đông bao vây Tức Mặc, quân sĩ trong thành cử Điền Đan làm tướng. Quân hai bên giằng co trong vòng 5 năm. Năm 279 TCN, Điền Đan tổ chức phản công, sử dụng "hỏa ngưu trận" đánh bại quân Yên, thu phục lại các thành trì cùng đất đai trước đó của Tề. Nước Tề tuy được phục hồi, nhưng nguyên khí đã suy kiệt, từ đó trở đi không thể sánh cùng Tần.

Diệt vong

Năm 236 TCN, nhân cơ hội nước Triệu tấn công nước Yên, Tần vương đã chia quân ra làm hai đạo tấn công nước Triệu. Nước Tần dùng vàng bạc châu báu mua chuộc thừa tướng nước Tề là Hậu Thắng, Tề vương Kiến nghe theo chủ trương của Hậu Thắng, không hợp tung để chống Tần, mà chỉ tăng cường phòng bị.

Sau khi nhận thấy nước nước Tần về cơ bản đã tiêu diệt được ngũ quốc (Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên), dù quân sĩ đã tập luyện đầy đủ nhưng Tề vương vẫn lo sợ nước Tần, vô cùng hoảng sợ đem quân tập kết ở biên giới phía tây, chuẩn bị chờ đón quân Tần tiến công từ phía này.

Năm 221 TCN, sau khi diệt xong Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tần vương lấy cớ do Tề cự tuyệt không cho sứ giả của Tần vào Tề, sai Vương Bí đem quân công phạt Tề. Quân Tần biết rõ chủ lực của Tề ở phía tây nên đã tránh không giao chiến tại đây mà theo đường từ phía nam nước Yên cũ tiến thẳng xuống phía nam tới kinh đô của Tề tại Lâm Truy (nay là phía bắc Truy Bác, Sơn Đông). Quân Tề đang đối diện với quân Tần tại phía tây, đột nhiên Tề lại bị tấn công từ phía bắc xuống, nên chẳng kịp phản ứng để xoay chuyển tình thế. Tề vương Kiến nghe lời Hậu Thắng, chẳng đánh mà ra khỏi thành đầu hàng, nước Tề diệt vong. Nước Tần thống nhất thiên hạ, tại vùng đất của Tề lập các quận Tề và Lang Da.